Thích Truyện Hay
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Nguyên Tắc Dịch Truyện

Go down

Nguyên Tắc Dịch Truyện Empty Nguyên Tắc Dịch Truyện

Bài gửi by Admin Sat Apr 29, 2017 1:57 pm

I. Giới thiệu chung

- Từ edit vốn có nghĩa là biên tập, trong quá trình dịch một tác phẩm thì biên tập là khâu cuối cùng, sau khi người dịch dịch hoàn thiện tác phẩm, người biên tập sẽ đọc và chỉnh sửa lại, như vậy người biên tập phải biết tiếng và có kinh nghiệm hơn người dịch để có thể chỉnh sửa lỗi. Tuy nhiên edit trong giới ngôn tình Trung Quốc hiện tại đều là người không biết tiếng, biên tập lại bản dịch khó gặm của phần mềm dịch. Khi mình mới lạc bước vào giới ngôn tình, thậm chí còn không phân biệt được dịch và edit khác nhau như thế nào, thậm chí còn suýt té ghế khi biết Lam Anh edit Tam sinh tam thế không biết tiếng Trung.

- Việc edit này cơ bản là đọc hiểu bản dịch của phần mềm rồi viết lại một câu cho rõ nghĩa dễ đọc. Theo mình biết, có hai cách edit. Một là chỉ dựa vào bản convert, cách này độ chính xác được khoảng 30% hoặc thấp hơn và thường là không đọc nổi. Cách thứ hai là phải có bản tiếng Trung, dùng phần mềm để dịch lại và tra cứu ở nhiều nguồn khác những từ chưa rõ nghĩa, mình dùng cách thứ hai, với phần mềm Quick Translator(QT), tất nhiên cũng phải kết hợp nhiểu công cụ tìm kiếm và tra cứu khác. Cách làm là copy đoạn cần edit bằng tiếng Trung, mở QT rồi chọn chức năng Translate From Clipboard, phần mềm sẽ tự dịch, trên giao diện hiện lên bản Hán việt, Vietphrase một nghĩa, Vietpharase nhiều nghĩa và cả bản tiếng Trung. Bạn chỉ cần đọc bản Vietphrase một nghĩa kết hợp với bản Hán việt, rồi viết lại câu, chú ý tên nhân vật phải viết theo Hán Việt.

II. Làm thế nào để có bản edit đúng.

Tất nhiên đúng ở đây chỉ là đúng theo nghĩa tương đối, như mình đã nói ở trên, không bao giờ có bản edit đúng theo nghĩa tuyệt đối, nhưng cũng cần tránh có bản edit sai quá nhiều so với bản gốc, người đọc chắc chắn không thể biết được bản edit đó sai, chỉ có bạn là người đọc bản Hán việt và bản Vietphrase một nghĩa là có thể biết, vì vậy mình có tổng hợp một số nguyên tắc như sau:

1. Nguyên tắc 1: Lúc nào cũng phải cẩn thận.

- Công việc dễ sai nhất quả đất này chính là edit, vì vậy cẩn thận là nguyên tắc hàng đầu. Khi mình edit Vân Trung Ca đã sai rất nhiều lỗi không tra cứu cẩn thận thế này, ví dụ: Xảo quả là loại bánh trong Khất xảo tiết, lúc đầu mình đã edit thành hoa quả được bày khéo léo, Xá nhân là người đi theo hầu, đây là từ cổ, lúc đầu mình edit thành người có ơn, Kiếm hoa là tên một loại cây, lúc đầu mình tưởng là tên một thế kiếm…Tất nhiên những lỗi như thế này khi mới tập tành edit rất khó phát hiện ra, ai mà biết một từ như vậy lại có nghĩa khác, vì vậy, nguyên tắc cẩn thận chính là phải luôn luôn nhìn kết hợp bản Hán việt và bản Vietphrase, không chỉ chăm chú nhìn vào bản Vietphrase một nghĩa. Gặp từ nào thấy nghi ngờ phải tra cứu ngay, trước hết là tra cứu bằng Google.

- Khi nói về tra cứu, mình cần nói thêm một chút về cách tra cứu, nói thật nhé, không phải ai cũng biết cách tìm kiếm như thế nào cho hiệu quả nhất với các trang tìm kiếm đâu. Cách của mình là dùng dấu ngoặc kép kết hợp với dấu + để loại bỏ những kết quả không cần thiết. Ví dụ muốn tìm câu “Ba tháng không biết vị thịt” mà bạn nghi tác giả là Khổng Tử, hãy đánh vào ô tìm kiếm của Google như sau: “Ba tháng không biết vị thịt” + “Khổng Tử”

- Khi tìm kiếm như thế này cũng phải rất kiên nhẫn nữa, có khi tìm tới trang thứ n mới ra được kết quả. Nếu tìm bằng Google không ra, bạn bôi đen từ cần tra ở QT, bấm chuột phải chọn Baikeing, QT sẽ kết nối với Baike, bạn copy đoạn giải thích về từ cần tra, mở một QT mới, để phần mềm dịch và đọc hiểu. Nếu có lỗi không kết nối được với Baike, bạn copy từ tiếng Trung đó rồi tìm với Google, lưu ý dùng dấu ngoặc kép.

- Với những bạn mới tập edit, việc đầu tiên là hỏi Google ca ca xem có bao nhiêu bài hướng dẫn edit, nghiên cứu trước rồi hãy bắt tay vào làm. Trước khi edit mình cũng bỏ ra mấy ngày, tìm và nghiên cứu mấy bài hướng dẫn thế này.

- Nhân tiện nói thêm về tên riêng của nhân vật, tên nhân vật tất nhiên phải chọn Hán việt, nếu QT chưa nhận ra đó là tên và không viết hoa, bạn bôi đen tên nhân vật, bấm chuột phải, chọn Add To Name, QT sẽ tự nhận diện đó là tên riêng, viết hoa theo Hán việt chứ không dịch ra nữa.

2. Nguyên tắc 2: Ngữ pháp tiếng Việt và tiếng Trung khác nhau, hãy điều chỉnh cho phù hợp.

- Trước khi viết một câu bạn nên tự hỏi, chủ ngữ đâu, vị ngữ đâu, rất nhiều bản edit rơi vào trường hợp câu không có chủ ngữ, nếu không có tất nhiên là mình phải tự thêm vào.

- Mình hay xét câu theo thứ tự: Chủ ngữ + động từ + vị ngữ để viết câu cho đúng.
VD: Cô từ trong ví lấy ra một tờ hóa đơn
Câu đúng là: Cô lấy từ trong ví ra một tờ hóa đơn.

- Thứ tự từ: thứ tự từ trong tiếng Việt và tiếng Trung khác nhau, cần thay đổi lại chứ không dùng như bản QT đã dịch được.

- Tiếp đến là dấu câu, bản được QT dịch thường có dấu chấm, phẩy không phải là chính xác nhất, cũng hay có dấu ; nên bạn nên tự ngắt câu, thay đổi dấu cho phù hợp.
Tiếp nữa là về trạng ngữ, câu trong tiếng Việt thường viết trạng ngữ ở đầu câu, nhưng trong tiếng Trung thì chủ ngữ thường ở đầu câu.

VD: Ta mấy ngày nữa sẽ tới thăm nàng.
Nên chuyển thành: Mấy ngày nữa, ta sẽ tới thăm nàng.​
Hoặc: Hôm nay ta ở chợ nghe tin đồn về ngươi.
Nên chuyển thành: Hôm nay ở chợ, ta nghe tin đồn về ngươi.

- Trong tiếng Trung, chủ ngữ rất hay ở đầu câu, nhưng trong tiếng Việt thì không phải lúc nào cũng thế, ngoài trường hợp trạng ngữ, các trường hợp khác bạn cũng nên cân nhắc để viết câu cho đúng.
VD: Cậu nếu không bận, ở lại chơi đi.
Nên viết là: Nếu cậu không bận, ở lại chơi đi.

3. Nguyên tắc 3: Ngôi xưng quyết định phần lớn độ hay trong tác phẩm của bạn

- Các bạn đều biết ngôi xưng trong tiếng Việt của chúng ta rất phong phú và đa dạng, nhưng ngôi xưng trong tiếng Trung khi QT dịch ra đều là ta và ngươi, cái này hoàn toàn tương tự như I và you trong tiếng Anh, nhưng khi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, tất cả chúng ta đều tự chuyển đổi cho phù hợp, có điều trong rất nhiều bản edit, các bạn vẫn giữ nguyên là ta – ngươi. Hãy lựa chọn ngôi xưng tiếng Việt cho phù hợp, điều này quyết định phần lớn độ hay trong tác phẩm của bạn.

- Con cái nói với trưởng bối, hãy gọi cha/mẹ/chú/bác/ cô / dì/ thúc/ bá/ cô cô/ phụ thân/ mẫu thân…., trưởng bối nói với con cháu, có thể xưng ta hoặc cha/mẹ/ chú/ bác… gọi bậc con cháu là con hay cháu. Thử nghe câu này của Hoắc Khứ Bệnh nói với Tam ca nhé:
“Thật vất vả mới đợi tới lúc các ngươi đều trưởng thành, lúc này đương nhiên phải làm việc cần làm thôi.”
Bạn nghe câu này sẽ thấy sao?
Câu đúng phải là:
“Thật vất vả mới đợi tới lúc các con đều trưởng thành, lúc này đương nhiên phải làm việc cần làm thôi.”

- Điều này áp dụng tương tự khi nhân vật xưng hô với huynh/đệ/tỷ/ muội của mình. Tóm lại là hạn chế dùng ngôi xưng ngươi – ta hết mức có thể, kể cả từ các ngươi, có thể thay bằng mọi người, hay mấy đứa…

- Còn khi là hai người đang yêu nhau thì tùy trường hợp các bạn lựa chọn ngôi xưng cho phù hợp. Điều tiếp theo phải nói khi viết về ngôi xưng đó là hai từ nàng và hắn.

- Trước hết là từ hắn, từ này giống hệt từ he trong tiếng Anh, tức là dùng thay cho người là nam khi được nhắc tới. Tất nhiên, mọi trường hợp QT đều dùng từ hắn, còn khi edit bạn nên lựa chọn cho phù hợp. VD khi nhắc tới nhân vật nam đã lớn tuổi, không nên dùng từ hắn, hãy dùng ông ấy, ông ta(thường dùng trong câu văn tường thuật), bác ấy, thúc ấy, bá ấy, chú ấy(thường dùng trong lời nói của các nhân vật với nhau)…

- Khi một số nhân vật nói về lão gia, công tử, hay hoàng thượng với người khác, cũng vẫn dùng từ hắn, trong trường hợp này nên thay bằng từ người hoặc ngài để thể hiện sự tôn trọng, lưu ý là vẫn phải tùy trường hợp. VD như cha con Hoắc Quang nhắc tới Lưu Phất Lăng mình vẫn dùng từ hắn, vì bọn họ chắc chắn là không coi trọng hoàng thượng.

- Có một trường hợp nữa, đó là khi trong truyện có người mang thai và nói về đứa con trong bụng mình, khi đó QT cũng dùng từ hắn. Bạn thử nghĩ xem, từ hắn trong trường hợp này sao dùng được, hãy dùng từ nó hay bé yêu hay gì đó tùy hoàn cảnh. Kể cả khi đề cập tới một bé trai rất nhỏ, VD như Lưu Thích mới 3 tuổi, QT cũng dùng từ hắn, khi đó hãy dùng từ nó hoặc lựa chọn khác của bạn cho phù hợp.

- Khi một cô gái nhắc về người mình yêu, thay vì từ hắn hãy dùng từ chàng hay huynh ấy.

- Áp dụng tương tự với từ nàng, từ này chỉ dùng phù hợp khi nhắc tới một cô gái trẻ, khi nhắc tới một phụ nữ đã lớn tuổi hãy dùng bà ấy, bác ấy, cô ấy…, và khi nhắc tới một đứa bé gái cũng không nên dùng từ nàng, hãy dùng nó, cô bé, bé… tùy trường hợp.

4. Nguyên tắc 4: Hãy cảnh giác, không phải lúc nào QT cũng đáng tin.

- Đó là trong trường hợp có ba từ A B C cạnh nhau, QT ghép A và B để dịch nghĩa, trong khi câu đúng phải là để A tách riêng, ghép B và C để dịch nghĩa hoặc ngược lại. Trường hợp này thì phải cảnh giác thôi.

5. Nguyên tắc 5: Chỗ nào dùng từ Hán việt, chỗ nào phải dùng từ thuần Việt mà không phải Hán việt, đó là vấn đề.

- Như ở trên mình có nhắc tới một số trường hợp, điều này quan trọng trong bản edit của bạn, nhưng áp dụng như thế nào thì tùy thuộc vào vốn từ và khả năng linh hoạt của bạn. Quá nhiều từ Hán việt sẽ khiến người đọc không hiểu, còn dùng từ thuần Việt quá sẽ làm giảm độ hay của tác phẩm, nhất là với truyện cổ đại.

6. Nguyên tắc 6: Đoán bừa cũng nên có căn cứ.

- Vì sao lại nói là đoán bừa, vì có một số từ QT không tra nghĩa được, mà tra ở chỗ khác cũng không được nên phải đoán bừa, nhưng cũng đừng quá chế bậy. Bạn nên liên hệ nội dung đoạn trước và đoạn sau, cố gắng suy đoán xem từ không dịch được đó là nghĩa gì.​
III. Làm thế nào để có bản edit hay.

Để có bản edit đúng đã khó, nhưng để hay thì cần nhiều thời gian hơn, mình có tổng hợp một số nguyên tắc thế này.

1. Nguyên tắc 1: Sử dụng từ đồng nghĩa một cách linh hoạt.

- Khi bạn bấm vào một từ trong QT, màn hình sẽ hiện thị tất cả các nghĩa của từ đó, hãy chọn nghĩa mà bạn cho là phù hợp nhất, khi thấy rằng tất cả đều không phù hợp, hãy nghĩ ra các từ đồng nghĩa khác bạn có thể nghĩ tới, nếu bạn thấy thế quá phiền, vậy khó có được bản edit hay lắm.

- Khi dùng từ, bạn cũng nên chú ý tới truyện mình edit là truyện hài hước hay chính truyện, nhân vật đang được nói tới như thế nào, nhân vật đó sẽ phải dùng những từ như thế nào mới thể hiện rõ được phong cách của mình?…

- Có một lần mình đọc được một đoạn trong một truyện nói về nữ chính là hoàng hậu bị ngã, trong một chính truyện nhé, bạn edit dùng từ “ngã chổng bốn vó”, nghe công nhận buồn cười đúng không, nhưng vào truyện như thế thì sẽ là chuyển ngữ lố bịch ấy.

2. Nguyên tắc 2:

- Học hỏi cách dùng từ của người khác qua những truyện mà bạn đọc, hãy tích lũy vốn từ, cách diễn đạt và viết câu. Edit không phải là copy y nguyên những gì QT dịch ra đã rõ nghĩa, mà là viết lại câu văn bằng giọng văn và cách diễn đạt của bạn, tất nhiên điều này tùy vào khả năng của mỗi bạn khi edit.

3. Nguyên tắc 3:

- Để edit hay thì tin QT càng ít càng tốt, tức là đừng dùng hết thảy những gì QT dịch ra, mà hãy diễn đạt sao cho hay hơn. Nguyên tắc này nói gọn lại là dùng từ đồng nghĩa một cách hợp lý và linh hoạt nhất, và diễn đạt câu một cách hay nhất.
VD: Nàng cái gì cũng không muốn nghĩ tới.
Câu này rõ nghĩa, nhưng không hay.
Câu nên viết là: Nàng không muốn nghĩ tới gì hết.

- Thành ngữ, tục ngữ cũng rất hay bị QT tự ý chuyển đổi sang tiếng Việt với nghĩa gần tương đương.

4. Nguyên tắc 4:

- Tên chương và tên truyện phải chuyển ngữ sao cho hay hơn bình thường một chút, đừng nên dùng y chang chuyển ngữ của QT. Nếu bạn không chuyển ngữ cho hay được cũng phải giải thích cho người đọc hiểu, không nên để nguyên tên chương là Hán việt, người đọc chắc chắn không hiểu được, và tên chương phần lớn đều hay, thể hiện phần lớn nội dung của chương.
VD: Tên truyện: Nắm tay người, kéo người đi.
Nên chuyển thành: “Tay nắm tay, cùng nhau cất bước” sẽ hay hơn

- Tên truyện: Cùng anh dây dưa không rõ. Nên dịch thế nào cho hay mình cũng chưa nghĩ ra, nhưng tên truyện như trên chắc chắn không ổn, bên Kites dịch tên truyện trên là “Chạy đâu cho thoát” mình thấy cũng khá ổn.

- Thơ từ ca phú, Luận ngữ, trích dẫn sách…trước hết nên tìm xem có bản dịch rồi hay không, nếu có hãy dùng trong bản edit của bạn và nhớ ghi tên người dịch, lưu ý là khi tìm kiếm bản dịch hãy copy bản phiên âm Hán Việt để tìm, nếu không tìm thấy thì cố thử chuyển ngữ, vì nếu bạn không chuyển ngữ thì người đọc không thể nào hiểu cho nổi. Nếu không chuyển ngữ nổi thì hãy copy bản phiên âm Hán việt, không bao giờ được copy bản Vietphrase một nghĩa vì bản này từ nào dịch được thì dịch, từ nào không dịch được thì thôi, đọc bản này rất là kỳ cục.

5. Nguyên tắc 5: Nguyên tắc về trình bày.

- Cuối cùng bạn nên trình bày theo đúng format của word, cũng không nên chia chương quá ngắn, nếu không có thời gian edit một chương dài, bạn hãy post với thời gian cách xa nhau một chút, nếu chia chương quá ngắn chỉ chừng 1-2 trang word, người đọc cũng rất là mệt, mà lại cắt ý của tác giả ra quá nhiều phần. Cũng không nên viết quá nhiều bình luận khi edit, có lần mình đọc được bản edit là hai bạn edit gần như chat với nhau trong đó luôn, rồi bình luận, chê bai nhân vật phản diện. Cũng không nên spoil làm độc giả biết trước.
Admin
Admin
Super Admin
Super Admin

Tổng số bài gửi : 20
Join date : 24/04/2017
Age : 23
Đến từ : Lãnh Địa Của Quỷ

https://thichtruyenhay.forumvi.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết